Xu hướng thép Trung Quốc đang dần hồi phục, giá thép trong nước sẽ tăng?
06/06/2022Theo trang S&P Global Commodity Insights, Thượng Hải – thành phố lớn nhất của Trung Quốc, đã mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 1/6 sau hai tháng bị phong toả vì dịch COVID-19. Điều này đồng nghĩa các công trường xây dựng hoạt động trở lại, giúp nhu cầu thép được cải thiện.
Ghi nhận vào lúc 11h ngày 2/6 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 4.702 nhân dân tệ/tấn. Ngày 1/6, gần như tất cả kho thép đóng đã mở cửa trở lại, cho phép các thương nhân và người khách hàng đến lấy hoặc vận chuyển hàng hóa đến kho.
Động thái này có thể thúc đẩy tiêu thụ ở hạ nguồn, vốn đã bị dừng lại trong nhiều tháng do đại dịch COVID-19. Các nhà sản xuất thép đã thất vọng trong thời gian dài vì họ không thể kiếm tiền vào mùa cao điểm xây dựng.
Hiện tại, hầu hết địa điểm xây dựng ở Thượng Hải đã hoạt động trở lại. Mặc dù thị trường có tín hiệu tích cực về nhu cầu thép, nhưng một người tỏ ra quan ngại về thời gian cần thiết để trở lại mức trước khi đóng cửa, cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính của một số dự án.

Một nhà kinh doanh thép cây ở Thượng Hải cho biết: “Việc thu hồi nợ ở một số công trình đang gặp khó khăn. Một số dự án vẫn đang chạy, nhưng lại gặp vấn đề về ứng trước vốn”.
Thị trường thép trong nước kỳ vọng tăng trưởng trong quý III/2022. Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 33,3 triệu tấn, tăng 8%.
Triển vọng dựa trên ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.
Trước đó, năm 2021, sản lượng thép toàn ngành đạt 30,8 triệu tấn tăng 32,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 7,5 triệu tấn tăng 66%, tương ứng với tổng giá trị xuất khẩu đạt 12 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Mảng tôn mạ tăng trưởng ấn tượng nhất với sản lượng toàn ngành 2021 đạt 6 triệu tấn tăng 52,5%, trong đó xuất khẩu chiếm 45%, tương đương 3,4 triệu tấn tăng 133%.
Ngành thép đang đối diện với ba rủi ro lớn
Thứ nhất, rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC. Tuy nhiên, các công ty đầu ngành tôn mạ như NKG hay HSG đều đã dần chuyển sang bán hợp đồng theo đơn hàng chốt giá trước 3 tháng, do đó trong 6 tháng đầu năm 2022 rủi ro sẽ không lớn.
Giá than cốc đã tăng rất mạnh cùng với giá quặng sắt liên tục có xu hướng tăng giá. Trong bối cảnh giá bán tăng cao có thể khiến thị trường xây dựng sẽ suy giảm tốc độ tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng.
Thứ hai, rủi ro về thuế chống bán phá giá thị trường xuất khẩu. Ngành thép hiện nay xuất khẩu (19.56% tổng sản lượng bán hàng) rất nhiều sang các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ …. Vì vậy, vẫn tồn tại rủi ro rất lớn về việc chính sách thuế quan sẽ thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn diễn ra giữa Trung Quốc và các nước.
Thứ ba, rủi ro về hạn chế xuất khẩu. Hiện tại tháng 3/2022, giá thép xây dựng đã tăng lên mức 18,3 triệu đồng/tấn. Rủi ro có thể xảy ra nếu giá vật liệu xây dựng ở mức cao, một số dòng thép sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó, phôi thép xây dựng là dòng sản phẩm chúng tôi cho rằng sẽ đối diện với nguy cơ này đầu tiên.
VDSC: Giá thép có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm
Theo báo cáo ngành thép của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại là chất xúc tác cho giá thép phục hồi.
Các lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt khiến tiêu thụ thép nội địa Trung Quốc suy yếu và các nhà máy phải giảm sản lượng trong khi đẩy mạnh xuất khẩu. Sản xuất thép yếu tại Trung Quốc và nhiều nước khác bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến giá phế liệu và giá quặng giảm theo.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng liên tục chào giá xuất khẩu thấp. Tình hình này đã tạo áp lực lên mặt bằng giá thế giới, kéo giá thép thành phẩm trong nước giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay.
VDSC kỳ vọng giá thép trong nước giảm sẽ khuyến khích nhu cầu trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng từ đầu tháng 4 đến nay. Mặt khác, việc Trung Quốc cho phép mở cửa kinh tế trở lại từ đầu tháng 6 kết hợp với các chính sách đẩy mạnh đầu tư cho tăng trưởng của nước này trong nửa cuối năm có thể giúp giá thép cũng như giá các nguyên liệu sản xuất thép sớm phục hồi trên toàn cầu.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng về xuất khẩu, mức sản lượng cao cùng kỳ khó lặp lại vì các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu. Bên cạnh đó, cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật. Châu Âu và Nga cũng đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á. Yếu tố tích cực hỗ trợ cho giá bán cả nội địa và xuất khẩu phục hồi sẽ nằm ở khả năng gia tăng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về ngành thép đánh giá khả quan đối với ngành. Theo BSC, sản lượng tiêu thụ năm 2022 dự báo tăng trưởng 9-12% nhờ nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi sau Covid-19 và nhu cầu duy trì cao ở các thị trường nhập khẩu.
Thị trường thép xây dựng đồng loạt giảm mạnh
Sáng ngày 30/5, một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM cho hay giá sắt thép các loại được nhiều doanh nghiệp công bố giảm khoảng 200.000 đồng/tấn. Đây là đợt giảm lần thứ ba chỉ từ đầu tháng 5 đến nay. Như vậy, hiện giá thép xây dựng đang dao động từ 17,5 – 18,6 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế giá trị giá tăng).
Tính chung trong tháng 5, giá thép các loại đã giảm từ 700.000 đồng – 1,1 triệu đồng/tấn, đưa giá hạ nhiệt so với đỉnh cao trong tháng 3.
Cụ thể, vào cuối tháng 5, các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng 270.000 – 500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng đang dao động 17,3 – 18,6 triệu đồng/tấn, số liệu của Steel Online.
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng. Theo đó, giá thép cuộn CB240 giảm 370.000 đồng/tấn, xuống còn 17,4 – 17,5 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 270.000 – 370.000 đồng/tấn, dao động 17,9 – 18 triệu đồng/tấn.
Đối với thương hiệu thép Việt Đức, giá thép cuộn CB240 giảm 490.000 – 500.000 đồng/tấn, hiện ở mức 17,3 – 17,5 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 390.000 đồng/tấn, xuống còn gần 18 triệu đồng đồng/tấn.
Tương tự, thép Pomina cũng điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với hai dòng thép cuộn CB240 và thép D10 CB300, xuống còn gần 18,3 triệu đồng/tấn và gần 18,6 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật cũng điều chỉnh giảm 340.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống còn gần 17,4 triệu đồng/tấn và giảm 440.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, hiện có giá 17,6 triệu đồng/tấn.
Thông thường, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, giá thép thường tăng cao. Tuy nhiên, năm nay giá thép lại liên tục lao dốc, có ba đợt giảm liên tiếp trong tháng 5.
Nguồn: kinhtechungkhoan.
Tiêu Điểm
- Triển lãm khai khoáng /
- Triển lãm xây dựng /
- xu hướng /
- Trung Quốc /
- MNVH22 /
- Giá thép /
- hồi phục /
Bạn Quan Tâm Đến


Thị trường thép Việt Nam chuẩn bị hưởng lợi khi quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Á hướng đầu tư tới khu vực ASEAN

Ngành Than: Chiến lược bền vững: Chuyển từ “nâu” sang “xanh”

[INFOGRAPHIC] TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ IV VÀ NĂM 2022

Năm đạt doanh thu kỷ lục của ngành Than

Quảng Ninh: Tái sử dụng đất đá thải mỏ giúp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

THACO tiến thêm một bước vào sân chơi bauxite

TKV khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ

Đổi mới công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng: Đòi hỏi cấp thiết
